1. Vi khuẩn phát triển trong miệng
Khi bạn ăn, thức ăn thừa giắt ở kẽ răng, bám ở lưỡi sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi, tạo ra mùi rất khó chịu.
- Nên đánh răng và dùng chỉ nha khoa
Bạn nên đánh răng ngày 2 lần, mỗi lần 2 phút với kem đánh răng có fluor, kết hợp dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng mỗi ngày 1 lần. Ngoài ra, lưỡi cũng cần được làm sạch bằng que cạo hoặc chiếc muỗng.
2. Sức khỏe răng miệng không tốt
Sâu răng và viêm nướu góp phần không nhỏ tạo nên mùi hôi.
- Nên làm sạch răng miệng
Kết hợp chăm sóc răng theo hướng dẫn ở trên với nước súc miệng không chứa cồn, đồng thời hãy khám răng định kỳ 6 tháng để phát hiện sớm và chữa trị kịp thời những vấn đề răng miệng như: nha chu, mảng bám, viêm nướu, sâu răng...
3. Viêm amidan hốc mủ
Trên amidan có những ngách và rãnh nhỏ, các vi sinh vật và chất nhầy thường bị mắc tại đây, dần dần tạo thành các hạt màu trắng hoặc vàng như bã đậu. Chúng khiến miệng bị hôi, có vị khó chịu và gây cảm giác vướng khi nuốt.
- Nên sử dụng nước muối và kháng sinh
Bạn nên súc miệng và họng với nước muối ấm thường xuyên và sử dụng tăm bông để loại bỏ bớt dịch nhầy, vi khuẩn. Nếu có điều kiện hơn, hãy dùng máy tăm nước để loại bỏ ổ vi khuẩn trước khi chúng biến thành hạt trắng. Nếu triệu chứng nặng, bạn hãy đi khám bác sĩ để tìm biện pháp phù hợp như dùng thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật cắt bỏ amiđan.
4. Bệnh đường ruột, dạ dày
Trào ngược dạ dày thực quản hoặc viêm loét dạ dày cũng là nguyên nhân gây hôi miệng vì khí gas trong dạ dày sẽ bị đẩy lên theo acid khi bạn ợ hơi.
Nên dùng thuốc kháng acid
Các loại thuốc này giúp giảm triệu chứng trào ngược và trung hòa acid trong dạ dày. Nếu mắc chứng không dung nạp lactose, hãy thử các viên uống lactase. Ăn sữa chua và men tiêu hóa cũng góp phần tăng cường lợi khuẩn trong ruột, giúp tiêu hóa tốt và giảm mùi hôi miệng.
5. Thức ăn nặng mùi
So với thức ăn thông thường, hành, tỏi sống và một số gia vị có thể làm trầm trọng hơi thở có mùi của bạn. Những loại gia vị này sau khi xuống dạ dày vẫn trích xuất ra các phân tử hóa học tạo mùi, có thể theo đường máu di chuyển đến phổi, và kết quả là hơi thở của bạn sẽ có mùi không dễ chịu chút nào.
- Nên đánh răng kỹ
Chải răng, làm sạch kẽ răng kết hợp với nước súc miệng sẽ ngăn ngừa tối đa mùi hành, tỏi trong miệng bạn. Nếu tình trạng vẫn tiếp diễn, hãy cắt giảm khẩu phần những loại gia vị này hoặc nấu chín chúng.
6. Nhiễm trùng
Hơi thở hôi là dấu hiệu sớm cho thấy bạn bị viêm mũi hay viêm xoang, khiến dịch chảy xuống cổ họng và số lượng vi khuẩn trong miệng tăng.
- Nên làm thông xoang mũi
Rửa sạch xoang và trị nghẹt mũi, chảy mũi với nước muối xịt mũi, thuốc dị ứng, thuốc nhỏ mũi chuyên dụng. Có thể dùng kháng sinh cho trường hợp nhiễm khuẩn và viêm xoang mạn tính...
7. Khô miệng
Chức năng của nước bọt là làm sạch miệng khỏi vi khuẩn và mảnh vụn thức ăn. Nếu miệng bạn không tiết đủ nước bọt, đó có thể là do uống quá nhiều cà phê, thở bằng miệng do nghẹt mũi, hay chứng khô mắt và miệng.
- Nên uống nhiều nước hơn
Chỉ cần cơ thể bạn đủ nước, cơ chế làm ẩm của miệng sẽ hoạt động tốt. Nhai chewingum và ngậm kẹo không đường cũng sẽ kích thích hoạt động của tuyến nước bọt.
8. Hút thuốc lá
Không chỉ gây khô miệng và viêm nướu, thuốc lá còn là thủ phạm tạo ra mùi hôi khó chịu ở miệng.
- Nên bỏ thuốc
Để bảo vệ sức khỏe nói chung và giảm mùi hôi miệng nói riêng, hãy bỏ thói quen hút thuốc và giữ thói quen làm sạch miệng với 4 bước: đánh răng, chải lưỡi, làm sạch kẽ răng, súc miệng.
9. Bệnh mạn tính
Đôi khi hơi thở có mùi lại là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng khác như: viêm phổi, béo phì hoặc bệnh về gan hoặc thận...
- Nên chữa trị sớm
Nếu những phương pháp nói trên không có tác dụng, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán những bệnh khác bạn có thể mắc phải.
Theo Khánh Minh - Doanh nhân Sài Gòn