Nha khoa bác sĩ Loan
Nha khoa bác sĩ Loan
Nha khoa bác sĩ Loan
Nha khoa bác sĩ Loan
Nha khoa bác sĩ Loan
Nha khoa bác sĩ Loan
Nha khoa bác sĩ Loan
Danh mục

Những vấn đề răng miệng ở người cao tuổi

Tuy tỉ lệ người cao tuổi ở Việt nam chưa cao như ở các nước phát triển, nhưng dân số trên 65 tuổi hiện nay đã vượt quá 5% tổng dân số và sẽ còn tăng hơn nữa với sự tăng tuổi thọ trung bình (hiện nay là 66 tuổi  cho nam và 68 tuổi cho nữ, là tuổi tương đối cao so với các nước đang phát triển ).

Tích tuổi và các bệnh toàn thân xuất hiện với tuổi già cùng với việc điều trị các bệnh này chắc chắn ảnh hưởng đến chức năng vùng miệng và điều trị răng miệng và ngược lại những biến đổi suy thoái ở vùng miệng và các chức năng miệng cũng sẽ tác động không ít trên sức khỏe toàn thân và chất lượng cuộc sống ở người cao tuổi.Ở các nước trên thế giới, chuyên ngành Lão nha là một chuyên ngành Răng Hàm Mặt (RHM) ngày càng được quan tâm nhiều hơn.

 

Sức khỏe răng miệng ở người cao tuổi

Sức khỏe răng miệng đặc biệt quan trọng đối với người cao tuổi vì họ thường dễ mắc các bệnh hệ thống có ảnh hưởng đến vùng miệng và lúc đó thì những tổn thương vùng miệng lại tác động ngược lại một cách trực tiếp hay gián tiếp trên tình trạng dinh dưỡng giao tiếp, khả năng đề kháng và chất lượng cuộc sống nói chung.

Tuổi không phải là yếu tố ảnh hưởng chính trên sức khỏe răng miệng. Các bệnh răng miệng (sâu răng, bệnh nha chu, bệnh niêm mạc miệng, rối loạn tiết nước bọt, tiêu xương ổ), các bệnh toàn thân (tiểu đường, tai biến mạch máu não, Alzheimer), những thuốc uống thường xuyên, xạ trị vùng đầu cổ do ung thư, mới chính là những yếu tố làm cho những người cao tuổi dễ bị những xáo trộn vùng miệng và hầu. Ngược lại hậu quả của các bệnh răng miệng không chỉ giới hạn ở vùng miệng mà có thể đưa các mầm vào dòng máu hay vào hệ hô hấp có thề gây hậu quả nghiêm trọng đến tíng mạng. Các bệnh ngoài da gây bóng nước trong miệng có thể làm cho bệnh nhân dễ mắc những bệnh ở vùng miệng hầu.

Ngày nay do người cao tuổi còn giữ được răng thật lâu hơn ngày xưa nên dễ bị những bệnh toàn thân  do nhiễm trùng răng hơn. Ngoài ra do họ chú ý nhiều hơn đến sức khỏe răng miệng nên nhu cầu răng miệng cũng cao hơn.

 

Biến đổi ở răng

Những biến đổi ở răng bao gồm: mòn mặt nhai, tuỷ bị xơ teo, giảm mật độ tế bào, tạo ngà thứ cấp, ngà ngạnh hóa dần bị mất nước, răng dòn dễ mẻ dễ bị gãy. Có sự tăng tạo xê măng ở chân . Người cao tuổi vẫn bị sâu mới và tái phát ở thân răng nhưng dễ bị sâu hơn ở chân răng. Tụt nướu, giảm tiết nước bọt, biện pháp vệ sinh bớt hiệu quả, chức năng nhai giảm sút, đó là những lý do làm cho dễ bị sâu chân răng. Do còn nhiều răng mang miếng trám lớn nên cũng dễ bị sâu tái phát.

Để chữa răng cho người cao tuổi nên sử dụng vật liệu phóng thích Fluor(F) như xi măng galss ionomer. Nên có chế độ theo dõi tình trạng răng miệng thường kỳ, can thiệp phòng bệnh bằng F tại chổ khi thấy có nguy cơ sâu răng tăng do giảm tiết nước bọt . Những người bị hạn chế về tri thức hay vận động trầm trọng cần sự hỗ trợ để thực hiện vệ sinh răng miệng hằng ngày.

 

Bệnh nha chu

Tụt nướu , mất bám dính và tiêu xương gần như khó tránh khỏi người cao tuổi. Tuy nhiên quá trình tích tuổi không phải là nguyên nhân duy nhất đưa đến tình trạng mất răng. Nhiều yếu tố vùng miệng và bệnh toàn thân cũng như những loại thuốc thường được ghi toa cho người cao tuổi có thể ảnh hưởng xấu đến mô nha chu, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, các thuốc chống cao huyết áp loại ức chế kênh Ca, thuốc chống co giật, cyelosporin…

Ngược lại bệnh nha chu cũng ảnh hưởng trên sức khỏe răng miệng và sức khỏe toàn thân của người cao tuổi. Bệnh nha chu là nguyên nhân gây hôi miệng, làm răng lung lay, mất răng và do đó ảnh hưởng đến chức năng nhai, nuốt, nếm và dinh dưỡng. Bệnh nha chu có thể ảnh hưởng đến bệnh tim mạch, nội tiết, hô hấp và bệnh nhiễm khuẩn. Bệnh nha chu ở người cao tuổi có thể điều trị và có khả năng lành bệnh, tuy có hơi chậm hơn ở người trẻ, nếu điều trị thích hợp và có biện pháp giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt. Ở bệnh nhân cao tuổi nên dùng biện pháp điều trị nha chu bảo tồn và thuốc kháng sinh.

 

Niêm mạc miệng

Niêm mạc miệng có những biến đổi do tích tuổi và do những bệnh miệng. Biểu mô niêm mạc miệng, là biểu mô lát tầng, teo mỏng dần với tuổi, mất tính đàn hồi, đồng thời do đáp ứng miễn dịch giảm nên dễ bị chấn thương và dễ nhiễm trùng...

Ở người cao tuổi, những biến đổi tại chổ, do bệnh toàn thân và thuồc làm cho niêm mạc miệng dễ bị một số thương dạng bóng nước, loét, liken, nhiễm khuẩn và ung thư 90% ung thư miệng xảy ra ở người trên 50 tuổi, do đó cần khám định kỳ để phát hiện và điều trị sớmung thư miệng.

 

Tuyến nước bọt

Nhũng nghiên cứu gần đây cho thấy là ở người cao tuổi khỏe mạnh, tổng lưu lượng nước bọt không giảm. Tuy nhiên rất nhiều người cao tuổi than phiền về khô miệng.Các bệnh toàn thân, thuốc và xạ trị là nguyên nhân chính gây khô miệng. Hơn 400 thứ thuốc có tác dụng phụ làm giảm tiết nước bọt (chống trầm cảm ,an thần, chống Parkinson ). Một số bệnh như bệnh Sjogren, bệnh tự miễn, Alzheimer có thể gây khô miệng. Khô miệng gây nhiều vấn đề ở miệng và hầu ở người cao tuổi :niêm mạc khô và dễ trầy sướt, giảm khả năng chống nhiễm khuẩn, giảm sự bôi trơn, tăng nguy cơ viêm nướu, nhiễm nấm, đau, khó ăn, khó nuốt, nếm, khó lưu hàm giả tháo lắp. Do đó cần chẩn đoán và hạn chế hậu quả của khô miệng. Để làm giảm khô miệng, cần thay thế thuốc có tác dụng phụ gây khô miệng, dùng nước bọt nhân tạo. Thực hiện các biện phápvệ sinh răng miệng tốt, kích thích tuyến nước bọt bằng vị giác, nhờ nhai và dùng thuốc, thực hiện chế độ ăn và uống phù hợp là những biện pháp lâu dài để chống khô miệng ở người cao tuổi.

 

Chức năng vận động và cảm giác vùng miệng

Xáo trộn chức năng, nuốt và tư thế cơ miệng thường xảy ra với tuổi . Nhai và nuốt ở người cao tuổi, ngay cả ở những người  còn đủ răng, kém hiệu quả hơn ở người trẻ. Tuy nhiên điều này sẽ không gây khó khăn trừ khi có thêm những bệnh toàn thân (tai biến mạch máu não, Parkinson) hay có dùng thuốc (loạn vận động do phenothiazine) làm cho dễ bị sặc hay hít vào đường thở. Bệnh thoái hoá khớp (osteo-arthritis) có thể ảnh hưởng trên khớp TDH nhưng nói chung người cao tuổi ít than phiền về loạn năng bộ máy nhai hơn người trẻ.

Nhiều người cao tuổi than là ăn không biết ngon, khó cảm nhận được mùi và vị. Những nghiên cứu gần đây cho thấy nếu mùi ít bị ảnh hưởng do tuổi thì vị giác lại giảm dần theo sự tích tuổi. Không cảm nhận được mùi vị, giảm sút về vận động, giảm tiết nước bọt dễ làm cho người cao tuổi chán ăn, bị suy dinh dưỡng, mất nước và bị giảm chất lượng cuộc sống. 


Những biến đổi suy thoái ở vùng miệng không phải chỉ do quá trình tích tuổi mà phản ảnh những tình trạng bệnh tại chỗ đã có từ trước, đang có và tình trạng toàn thân cũng như các phương thức điều trị . Do đó chăm sóc răng miệng lúc trẻ là đảm bảo tốt nhất để có sức khỏe răng miệng tốt lúc cao tuổi “Ngày mai bắt đầu từ hôm nay’’. (Lavker, 1997 )

 

BS. Huỳnh Anh Lan
Khoa Răng Hàm Mặt - Trường Đại học Y Dược TP. HCM Theo MediNet

06/11/2017 764 đã xem

Bài viết cùng chuyên mục

Top